Dòng chảy của rượu xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam
Từ xa xưa, thời dựng nước các vua chúa đã dùng rượu trong các buổi yến tiệc thiết đãi sứ giả, trong các buổi bình thơ, thưởng cảnh. Đến thời chiến, khi đất nước ta bị giặc ngoại xâm xâm chiếm, các nghĩa sĩ khi từ biệt gia đình ra chiến trường cũng dùng chén rượu để cầu may mắn mong ngày trở về. Và khi đất nước đã hòa bình lập lại, rượu lại là một thức uống trong mỗi cuộc gặp mặt, là thứ giúp chúng ta khi có nhiều nỗi niềm, tâm sự. Có thể nói, rượu đã song hành, hòa cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc, chứa đựng cả bề dày và sự phong phú, độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Văn hóa uống rượu luôn gắn liền với văn hóa dân tộc
Người Việt uống rượu khi vui, uống rượu khi buồn và cũng có thể uống rượu để chia buồn, chia vui. Rượu đã đi sâu vào đời sống con người Việt Nam và gắn liền với nhiều hoạt động của đời sống lúc nào không hay. Ít ai có cái nhìn rằng rượu đã là một phần của văn hóa Việt Nam mà trong thời điểm hiện tại việc uống rượu lại đang là một việc không được đẹp trong tâm trí người dân Việt Nam.
Việt Nam là một dân tộc với đặc sắc truyền thống gắn liền với nền văn minh lúa nước, với sản phẩm là gạo, với nền ẩm thực đa dạng phong phú với nguyên liệu là hạt gạo. Và đặc biệt, rượu cũng là thứ mà người Việt luôn kiêu hãnh với bạn bè quốc tế. Rượu đã đồng hành cùng dân tộc Việt qua dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc.
Các làng nghề rượu truyền thống lừng danh đất Việt
Rượu đối với con người Việt Nam đã trở thành thức uống khó có thể thay thế, rượu có thể ví như một người bạn đồng hành, một món quà tinh thần với mỗi người con Việt. Qua mỗi vùng miền, mỗi vùng đất với những thay đổi về khẩu vị, về bản sắc văn hóa rượu lại được người dân bản địa sáng tạo ra với những hương vị đặc trưng riêng.
Trên mảnh đất hình chữ S thân thương xuất hiện rất nhiều làng nghề nấu rượu truyền thống trứ danh trải dài từ Bắc vào Nam, từ miền núi tới đồng bằng ra cả vùng biển. Một số làng nghề rượu truyền thống Việt Nam nổi danh tiêu biểu là: Làng Vân (Bắc Giang), Mẫu Sơn (Lạng Giang), Làng Chuồn (Huế), Gò Đen (Long An),… Có nhiều làng nghề nấu rượu truyền thống là vậy nhưng hiện tại không còn nhiều làng nghề duy trì được, các làng nghề này mai một và biến mất dần. Dù là người Việt nhưng rượu truyền thống Việt Nam đang bị chính người Việt không dành sự ưu ái nữa.
Nghề nấu rượu truyền thống đang bị phai màu dần theo thời gian
Hiện thực đang xảy ra là các làng nghề nấu rượu truyền thống Việt Nam đang bị mai một dần và mòn. Vì sao lại như vậy? Thời gian trôi đi, mọi thứ thay đổi trong đó có cả thói quen tiêu dùng của con người. Ngày nay, với sự hội nhập quốc tế, người Việt đang dần ưa chuộng sử dụng hàng ngoại nhập hơn hàng Việt.
Nếu ngày trước, người Việt uống rượu truyền thống thường xuyên thì nay với sự xuất hiện của nhiều loại rượu ngoại nhập khác khiến họ có nhiều sự lựa chọn hơn. Các loại rượu ngoại ngày càng được sử dụng nhiều hơn vì người ta quan niệm rằng dùng rượu ngoại “ sang trọng, quý tộc” và “ đẳng cấp” hơn. Đó là lý do, thị trường của rượu truyền thống Việt Nam bị thu hẹp lại từ đó các làng nghề nấu rượu truyền thống không thể phát triển và dần lụi tàn.
Sự thiếu hụt thế hệ kế nghiệp nghề nấu rượu truyền thống từ cha ông
Như đã chia sẻ ở bên trên, các làng nghề nấu rượu truyền thống dần lụi tàn và mát đi vì sự thay đổi thị hiếu từ người tiêu dùng. Ngoài lý do đó ra, cũng không thể không nói tới sự thiếu hụt của thế hệ kế nghiệp. Những người trẻ, những người kế nghiệp nấu rượu từ cha ông đã mất đi sự nhiệt huyết, họ đã không còn cố gắng phát triển, không tìm hiểu thị hiếu của thị trường.
Nhu cầu, kỳ vọng của người tiêu dùng là vô hạn, nó sẽ dần dần tăng lên theo sự phát triển của kinh tế, xã hội. Kinh tế, thu nhập tăng lên người tiêu dùng sẽ có nhu cầu mua những sản phẩm đắt tiền hơn đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm phải cao hơn nữa.
Các làng nghề truyền thống với thế hệ quản lý là những thế hệ trước, đã lớn tuổi, đôi khi có những suy nghĩ “cũ” chưa bắt nhịp được với sự phát triển của xã hội và thị hiếu của người tiêu dùng, không nắm bắt được xu thế của thị trường dẫn tới các làng nghề không định hướng đúng và rõ ràng vị thế và tầm nhìn của các sản phẩm họ làm ra.
Việt Nam là một đất nước có sự tiêu thụ rượu mạnh, sự cạnh tranh trong thị trường rượu cũng vô cùng khắc nghiệt vì thế nếu không bắt kịp xu thế chắc chắn sẽ bị thị trường đào thải. Trên đây là nguyên do dẫn tới các làng nghề nấu rượu truyền thống bị mai một và mất đi.