Bám sát Chương trình thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, ngành Khoa học công nghệ tỉnh Bắc Ninh quyết tâm đưa sở hữu trí tuệ thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, tập trung vào các sản phẩm chủ lực nông nghiệp, làng nghề.
Toàn tỉnh hiện có 19 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống nổi tiếng được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Giai đoạn 2018-2020, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các UBND huyện, thành phố xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý, quảng bá thương hiệu và tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ (do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp) cho 11 sản phẩm gồm: 1 Chỉ dẫn địa lý, 9 Nhãn hiệu chứng nhận và 01 Nhãn hiệu tập thể.
Đây đều là các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những “thương hiệu” mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng được khẳng định qua nhiều thế hệ; mang đến giá trị tiềm năng to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở cả mặt xã hội. Trong quá trình triển khai, các đơn vị phối hợp xây dựng được các cơ sở khoa học và tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng các nhãn hiệu, chỉ dẫn; đào tạo, tập huấn về mô hình, các công cụ quản lý và phát triển thương hiệu; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường, ngành hàng, phương án phát triển thị trường tiêu thụ, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở trong và ngoài tỉnh. Xây dựng các quy trình khai thác, chế biến và bảo quản, quy chế sử dụng tem, nhãn, mã số, mã vạch, bao bì, nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm,…
Việc phát triển tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Trong bối cảnh Bắc Ninh hội nhập sâu rộng, các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương được bảo hộ và quảng bá danh tiếng, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong giữ gìn uy tín “thương hiệu” của các đặc sản địa phương.
Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu sản phẩm thuộc sở hữu chung của cộng đồng gồm: 6 nhãn hiệu chứng nhận (Tỏi một nhánh Gia Bình; Cà rốt, mỳ gạo Tử Nê – Lương Tài; Giò, chả, nem chua Tân Hồng, Rượu nếp cái hoa vàng Đồng Nguyên – Từ Sơn; Dưa gang muối – Quế Võ) và 5 nhãn hiệu tập thể (Đồ gỗ mỹ nghệ Phù Khê, đồ gỗ mỹ nghệ Tam Sơn, đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mạc – Từ Sơn; Chuối Cảnh Hưng – Tiên Du; Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên – thành phố Bắc Ninh)./.