Bắc Ninh đã và đang khôi phục các làng nghề cũ, xây dựng các làng nghề mới, hình thành các cụm công nghiệp theo ngành hàng, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, vừa thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, phù hợp với chủ trương của tỉnh về quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, nên cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên báo động, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống. Toàn tỉnh cũng có 12 nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc sắc, đang phát triển tốt. Trong thời gian qua, việc khôi phục và phát triển làng nghề đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương. Đồng thời, các làng nghề đã chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững.
Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, những năm trở lại đây, người dân các làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh đã thay đổi suy nghĩ và cách làm trong sản xuất, đặc biệt họ đã quan tâm tới sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, nên việc xử lý chất thải ra môi trường cũng được chú trọng. Hầu hết, người dân trong các làng nghề đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo được sự đồng bộ trong tất cả các khâu nên lượng nước thải ra môi trường cũng giảm thiểu rõ rệt, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các hộ sử dụng hầm biogas, qua bể lắng và hệ thống kênh mương dẫn nước thải đã được lắp đặt nắp cống nên chất lượng môi trường đã cải thiện hơn nhiều so với trước./.