Bắc Ninh: Giữ gìn và phát huy truyền thống làng nghề

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 62 làng nghề thủ công, làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống. Theo kết quả đánh giá phân loại, toàn tỉnh có 26 làng nghề phát triển khá, chiếm gần 87% số làng nghề; 4 làng nghề hoạt động cầm chừng và có khả năng bị mai một là: Sắt thép Đa Hội, Tranh Đông Hồ, Giấy Phong Khê, Mây tre đan Lập Ái. Ngoài các làng nghề, toàn tỉnh có 32 thôn, khu phố có 12 nghề truyền thống, sản phẩm mang tính đặc sắc, đang phát triển tốt như: nghề làm bánh phu thê ở Đình Bảng, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm…
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Khoai tây, gạo tẻ thơm, gạo nếp thơm, dưa Gang (huyện Quế Võ), cà rốt, gà Chi Nhị (huyện Gia Bình), tỏi và khoai lang An Thịnh (huyện Lương Tài), gà Hồ (huyện Thuận Thành), gạo nếp cái hoa vàng, gạo nếp cái hoa trắng.
Các sản phẩm của tỉnh Bắc Ninh sau khi được đăng ký bảo hộ SHTT đã có những thay đổi tích cực về thương hiệu và giá trị, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm. Khi lưu thông trên thị trường các sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ phải tuân thủ theo quy trình gắn nhãn mác, bao bì chặt chẽ, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc; đồng thời phải đáp ứng những tiêu chí nhất định trong quy trình sản xuất, từ đó luôn bảo đảm chất lượng và gia tăng số lượng hàng tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho các làng nghề.
Để bảo tồn các làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản và thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ áp dụng cơ khí hóa một số công đoạn sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, cơ sở làng nghề nhằm mở rộng và phát triển về quy mô, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thị hiếu của người sử dụng trong và ngoài nước. Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề được thực hiện theo dạng liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề; mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới…; đồng thời tập trung hỗ trợ phát triển các nghề sử dụng nhiều lao động, gắn việc đào tạo nghề, truyền nghề với giải quyết việc làm tại cơ sở nhằm tăng hiệu quả của công tác đào tạo.
Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác trong làng nghề; tiếp tục bảo tồn, phát triển các làng nghề đang hoạt động, có khả năng phát triển; khôi phục, phát triển ngành nghề ở những làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một; hỗ trợ cơ sở làng nghề có sản phẩm đặc trưng đã được du khách, thị trường biết đến xây dựng quầy hàng, gian hàng trưng bày, bán sản phẩm tại tour, tuyến du lịch. Ngoài ra, trên cơ sở Đề án Mỗi xã một sản phẩm đã được ban hành, tỉnh kêu gọi các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng, đã được bày bán trên thị trường tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường./.
Theo Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Ninh

Share:

Author: admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *